Học online - Khó khăn hay lợi ích
Bài 2: Làm thế nào để dạy online hiệu quả?
Để việc dạy online có hiệu quả, giáo viên phải chấp nhận thực tế rằng: (1) dịch bệnh còn dài, có thể bùng phát và quay lại bất kỳ lúc nào; (2) ứng dụng CNTT vào học tập, giảng dạy là xu hướng chung, mang tính bắt buộc; (3) phải thay đổi, phải tự đào tạo, học hỏi để bắt kịp thực tế xã hội.Với tinh thần cởi mở, sẵn sàng thay đổi đó, GIA SƯ GIỎI xin gởi đến quý giáo viên một số kinh nghiệm để việc dạy online thật sự hiệu quả, nhẹ nhàng.
1. Nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại
Việc này khá đơn giản, nhưng đòi hỏi giáo viên phải chịu khó dành thời gian học hỏi. Cái gì cũng có khó khăn ban đầu, nhưng sử dụng một thời gian sẽ quen thuộc. Ví dụ rất đơn giản:
(1) Chỉ sau vài lần sử dụng chúng ta đều thành thạo smartphone, dễ dàng chuyển đổi qua lại giữ iPhone hay Android mà không gặp trở ngại gì đáng kể. Ngay cả điện thoại mới ra mắt liên tục, thêm nhiều tính năng hữu ích... chúng ta vẫn dễ dàng nắm bắt cho nhu cầu liên lạc, giải trí.
(2) Trên facebook, instagram, tiktok, youtube: chúng ta dành hàng giờ trên điện thoại, máy tính để lướt, post bài thật hay với lời lẽ trau chuốt, hình ảnh minh hoạt thật ấn tượng; chia sẻ, bình luận, tương tác; dùng nhiều phần mềm cắt xén, chỉnh sửa để làm các clips hay, tạo kênh thật hấp dẫn để thu hút đăng ký, like, share...
2. Thiết kế lại bài giảng phù hợp với dạy online
(2) Trên facebook, instagram, tiktok, youtube: chúng ta dành hàng giờ trên điện thoại, máy tính để lướt, post bài thật hay với lời lẽ trau chuốt, hình ảnh minh hoạt thật ấn tượng; chia sẻ, bình luận, tương tác; dùng nhiều phần mềm cắt xén, chỉnh sửa để làm các clips hay, tạo kênh thật hấp dẫn để thu hút đăng ký, like, share...
Thay đổi hình thức dạy và học dĩ nhiên kéo theo sự thay đổi ở thiết kế bài giảng. Trước kia, việc giảng bài, giải đáp cho học sinh hay các bài kiểm tra chủ yếu gói gọn trong phạm vi tiết học ở trường. Nên các bài giảng cũng được thiết kế đáp ứng đúng thời lượng tiết học, tránh "cháy giáo án".
Với việc dạy online, quá trình này đã mở rộng ra. Bất kỳ lúc nào học sinh cũng có thể học, hỏi bài, gởi bài tập. Giáo viên cũng có thể tương tác với học sinh vào khung giờ cố định quy ước nào đó, hoặc bất kỳ lúc nào miễn tiện. Việc dạy và học không còn bó buộc vào tiết học, hay khung giờ... thì bài giảng cũng phải được thiết kế linh hoạt tương ứng.
Cấu trúc bài giảng chỉ cần nhấn mạnh các điểm chính, kèm link hoặc tài liệu mở rộng để học sinh tham khảo. Bài giảng có thể là kèm theo đoạn video ngắn, hình, công thức minh họa... chiếm khoảng 1/3 thời lượng buổi học, còn lại là các hướng dẫn, thảo luận, khảo bài, giải đáp thắc mắc hay phát biểu của học sinh.
Bài giảng nên gởi trước cho học sinh, yêu cầu phải coi trước, tóm tắt ý chính hay gởi thắc mắc... trước giờ lên lớp. Nhiều câu hỏi chung sẽ được giải đáp cho cả lớp cùng nghe. Các câu hỏi mang tính riêng lẻ, có thể giải đáp sau buổi học, hoặc qua emai, tin nhắn cho từng học sinh.
Giáo viên dễ dàng dùng các công cụ quản lý lớp học (ví dụ như Google Classroom, thậm chí là Drive...) để biết học sinh nào đã coi qua, đã làm bài, gởi bài. Vì vậy, việc quản lý rất dễ dàng, tiện dụng. Chẳng em nào chối được, vì có "nhân chứng, vật chứng" với ngày, giờ rõ ràng!
3. Rèn luyện kỹ năng sử dụng phần mềm dạy trực tuyến
Điều may mắn là hầu hết các hãng công nghệ lớn đều cho phép trường học, giáo viên sử dụng công nghệ của họ với các tính năng cao cấp, miễn phí... cho mục đích giáo dục. Hiện nay cũng có rất nhiều bài viết, clips chia sẻ rộng rãi trên facebook, youtube... hướng dẫn sử dụng các phần mềm dạy trực tuyến từ cơ bản đến nâng cao.
Giáo viên chỉ cần chịu khó xem và thực hành theo vài lần là quen. Tùy tình huống thực tế, giáo viên chuyển đổi linh hoạt giữa các phần mềm để tận dụng tối đa ưu điểm của các ứng dụng này. Ví dụ: có thể dùng Google Meet để dạy và điểm danh tự động (cài thêm Meet attendance). Nhưng khi cần trình chiếu full màn hình, thì chuyển qua Zoom.
4. Nghiên cứu thêm nhiều tài liệu, công cụ, phần mềm bổ trợ khác
Nếu giáo viên có khả năng sử dụng các công cụ, phần mềm khác nhau để tự thiết kế bài giảng theo ý riêng thì quá tốt. Nếu không, giáo viên cũng có thể tham khảo tài liệu giảng dạy có rất nhiều trên mạng. Các tài liệu này cũng được giáo viên hoặc những người yêu thích giáo dục biên soạn và chia sẻ công khai.
Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng, trích dẫn, cắt ghép... để biên soạn lại cho phù hợp. Chúng tôi tin rằng, với mục đích giáo dục và phi thương mại, mọi nguồn tài liệu đều được phép sử dụng mà không cần e ngại gì liên quan tới bản quyền, miễn ghi (1) rõ nguồn tham khảo, trích dẫn; (2) đừng biến cái của người ta thành cái của mình.
5. Rèn luyện kỹ năng dạy online Môi trường dạy, cấu trúc bài giảng thay đổi dĩ nhiên cách thức giảng dạy cũng thay đổi. Giáo viên nên yêu cầu học sinh vào lớp trước 10 phút để ổn đỉnh buổi học (kiểm tra âm thanh, đường truyền, camera...) và giao lưu với nhau một chút qua vài mẩu chuyện hài hước. Rõ ràng không khí cởi mở luôn tạo nhiều hứng khởi trước khi buổi học chính thức bắt đầu. Điều này rất khó làm được ở môi trường học đường, vì thời lượng sít sao của tiết học.
Do bài giảng được gởi trước, cấu trúc chỉ gói gọn các ý chính nên thầy trò luôn có nhiều thời gian để thảo luận. Giáo viên có thể chia học sinh thành nhiều nhóm làm việc. Nhóm nào biết nhóm đó, thoải mái bàn luận, tranh cãi... mà chẳng sợ làm ồn nhóm khác. Giáo viên cũng có thể "ghé thăm" bất kỳ nhóm nào để hỗ trợ hay kiểm soát. Điều này cũng khó làm được ở trường, vì số lượng học sinh quá tải so với cơ sở vật chất của nhà trường.
Giáo viên cũng biến buổi dạy truyền thống từ "học thầy", thành "học bạn"! Giáo viên chia nhóm & phân công mỗi nhóm nghiên cứu 1 chủ đề nào đó, bữa sau từng nhóm trình bày cho cả lớp. Giáo viên chỉ cần điều phối, quan sát, tổng kết và đánh giá!
Giáo viên cũng có thể biến bài tập thành trò chơi. Ví dụ dùng Menti, Kahoot, Quizizz, Padlet, Google Forms... để cho cả lớp tương tác, làm khảo sát, làm trắc nghiệm xem ai nhanh & đúng nhất.
Hoặc có thể dùng "bánh xe kỳ diệu" (wheelofnames.com, như hình trên) để mời phát biểu, trả bài... thay cho hình thức rà viết trên sổ điểm mà bao thế hệ học sinh từng "thói tim". Chúng tôi tin rằng, với hình thức "xổ số" này, học sinh vừa hào hứng, vừa "thót tim" không hề kém như ngồi trên lớp! Lo ngại ồn ào, khó kiểm soát ư? Giáo viên có quyền tắt toàn bộ micro của học sinh, chỉ em nào được mời phát biểu mới có thể nói. Vắng mặt không phép, làm việc riêng không nghe giảng, thái độ, tác phong không phù hợp ư? Chỉ chưa tới 1 giây, phụ huynh nhận được tin nhắn phản ánh ngay! Điều này cũng chỉ làm tốt được khi dạy online, khi mà mọi thứ đều sẵn sàng trên máy tính của giáo viên!
Lo ngại vì thiếu tính tương tác như đời thực ư? Chúng ta cũng có người thân, bạn bè đang ở nước ngoài, hay ở xa lâu rồi không gặp nhưng mối quan hệ vẫn tốt đó thôi. Chính nhờ công nghệ đã giúp "xa" nhưng không hề "cách", tình huống thầy trò, cô trò không gặp nhau ở trường cũng chỉ là nhất thời do dịch bệnh.
Lời kết
Còn rất nhiều lợi ích mà giới hạn bài viết không thể kể hết được. Chúng ta đã thành thạo điện thoại, máy tính cho nhu cầu giải trí, thông tin liên lạc chỉ qua vài lần sử dụng, học hỏi. Vậy chẳng có lý do gì cản trở để chúng ta học hỏi thêm một chút để dùng cho nhu cầu học tập, giảng dạy?
Chúng ta sẵn sàng tốn nhiều thời gian, chi phí cho các hoạt động giải trí. Nhưng chúng ta e ngại khi tốn thời gian cho việc nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công cụ để làm tốt công tác giảng giảng, mà từ đó, tạo ra thu nhập cho cá nhân và giá trị cho xã hội?
Vậy, rào cản ứng dụng CNTT thông tin không phải ở chính CNTT mà ở chính bản thân chúng ta!
Học online: Khó khăn, vất vả hay lợi ích?
» Bài 1: Khó khăn, trước tiên đến từ chính giáo viên
(Bản quyền của GIA SƯ GIỎI. Ghi rõ nguồn và đường link khi trích dẫn)
https://giasugioi.com/thaygioitrogioi/lam-the-nao-de-day-online-hieu-qua.html
https://giasugioi.com/thaygioitrogioi/lam-the-nao-de-day-online-hieu-qua.html
» Xem thêm các chia sẻ khác