Học online - Khó khăn hay lợi ích

Bài 1 - Khó khăn, trước tiên đến từ giáo viên!

Dù không nói ra, nhưng thực chất năng lực sử dụng CNTT vào giảng dạy ở nước ta còn rất nhiều hạn chế, cả ở nông thôn lẫn thành thị. Nếu như 10 năm về trước, sự yếu kém này đến từ cơ sở vật chất, hạ tầng internet, hay máy tính, điện thoại thông minh còn quá đắt đỏ... thì hiện nay, máy tính, điện thoại hầu như ai cũng có, internet phủ sóng khắp mọi nơi... và các hạn chế này đến từ chính người sử dụng.



1. Kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại

Rất nhiều giáo viên không thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại cho mục đích học tập, làm việc. Nhiều giáo viên chỉ biết sử dụng các tính năng cực kỳ cơ bản của bộ Microsoft Office và lưu trữ trực tiếp trên máy tính cá nhân.

2. Kỹ năng soạn bài giảng điện tử

Nhiều giáo viên cũng đã sử dụng máy tính, máy chiếu... để trình chiếu các bài giảng điện tử trong buổi học. Nhưng thực chất các bài giảng này chỉ là biến thể của giáo án, mà ở đó rất nhiều chữ, giáo viên cũng thao thao bất tuyệt thời lượng tương đương với đứng trên bục giảng.

Lý do là giáo viên vẫn quen thuộc với bảng đen phấn trắng, xem giáo án và sách giáo khoa là chính, coi bài giảng điện tử như là phần nhỏ, hỗ trợ thêm cho công tác giảng dạy theo yêu cầu của đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hoạt động giảng dạy.

Khi dạy online, do mức độ tập trung kém, bài giảng cần phải thiết kế lại cho phù hợp với cách giảng dạy mớ. Bài giảng không nên quá dài, mà tập trung vào các ý chính với thời lượng gói gọn khoảng 1/3 buổi học.

3. Kỹ năng sử dụng phần mềm dạy trực tuyến

Rất nhiều giáo viên lần đầu biết đến Zoom, Microsoft Team, Google Meet... và cũng sử dụng các tính năng cơ bản của các ứng dụng này. Rất ít giáo viên chịu khó tìm hiểu các tính năng nâng cao, hay cái hay, cái dở của từng ứng dụng để chuyển đổi linh hoạt tùy nhu cầu sử dụng. Ví dụ, Zoom cho phép phóng to tràn màn hình, biến màn hình máy tính như bảng đen, giúp trình chiếu tốt hơn, chữ to dễ hình hơn. Ngược lại, Meet tích hợp rất tốt với bộ công cụ của Google như Calendar (lịch hẹn, giúp nhắc lịch học cho cả lớp), Google Classroom (để giao bài), Google Drive (chứa tài liệu tham khảo, có phân quyền), Google Forms (để làm bài kiểm tra)...

Kể cả khi phần mềm này chập chờn, giáo viên thông báo cả lớp chuyển qua phần mềm khác giống như đổi phòng học, tuy có chút gián đoạn, nhưng vẫn có thêm lựa chọn tùy tình hình thực tế.

4. Kỹ năng sử dụng công cụ, phần mềm bổ trợ khác

Việc sử dụng Zalo, Messenger, Face Time cực kỳ phổ biến ở nước ta, nhưng hầu như dành cho việc giao tiếp, chia sẻ là chính. Nên khi chuyển các công cụ này sang phục vụ việc học, nhiều giáo viên cũng lúng túng trong việc quản trị nhóm, cài đặt các quyền để đảm bảo hiệu quả truyền tải thông tin và bảo vệ sự riêng tư.

Ngoài các bộ công cụ nêu trên, Google cũng cung cấp bộ office như Google Docs (soạn văn bản như Word), Sheets (làm bảng tính như Excel), Slides (làm trình chiếu như Power Point), có thể chia sẻ, tải về, chỉnh sửa... rất đơn giản.

Giáo viên cũng có thể dùng bút điện tử (khoảng hơn 1 triệu/bút) để vẽ hình học, viết công thức toán, lý, hóa hay vẽ sơ đồ, viết phiên âm quốc tế (trong tiếng Anh)... như khi viết lên vở, bảng đen. Cực kỳ đẹp và hiệu quả!


(Giáo viên của GIA SƯ GIỎI dùng iPad dạy Toán trực tuyến qua Skype, vẽ bằng Note có sẵn trên iPad với bút điện tử)

Nhiều giáo viên nói rằng trình độ tiếng Anh còn hạn chế, nên gặp khó khăn trong việc sử dụng máy tính, phần mềm, tài liệu! Chúng tôi cho rằng hầu hết các phần mềm hiện tại đều có ngôn ngữ tiếng Việt. Giả định, cần dịch một tài liệu trên file pdf, hay trên giấy thì sao? Chỉ cần bật camera và trỏ vào tài liệu, Google Dịch (Translate) làm hoàn hảo phần việc còn lại!

(Dùng camera để dịch tức thời 1 đoạn tài liệu toán Chương trình quốc tế IB)


5. Kỹ năng giảng dạy online

Rất nhiều giáo viên lúng túng khi ngồi trước camera giảng bài. Có giáo viên khi lên lớp dạy online vẫn thao thao bất tuyệt như khi dạy trực tiếp. Cũng có giáo viên khó kiểm soát học sinh, như ồn ào, phát biểu lung tung hay làm việc riêng, không tập trung nghe giảng.

Những việc này khi dạy trực tiếp, giáo viên dễ dàng kiểm soát, vì môi trường học đường ngoài cái uy của thầy cô, còn là cái nghiêm của môi trường học đường, nơi mà học sinh phải tuân thủ nội quy, chịu sự giám sát không những của thầy cô mà còn của ban giám thị. Việc ghi sổ đầu bài, bị mời ra khỏi lớp, hay lên phòng giám thị... là tức thì, trực tiếp đủ khiến các em phải học hành nghiêm túc.

Nhưng tất cả lợi thế này hoàn toàn biến mất khi học online! Vì các em học ở nhà, ít nhiều chịu sự tác động của môi trường quen thuộc. Cũng không có "thầy cô giám thị" đi giám sát vòng vòng... nên sự "mất trật tự" hoàn toàn dễ hiểu.

Chúng ta cần hiểu rằng, môi trường thay đổi, thì cách thức tương tác cũng phải thay đổi để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là dạy tốt, học tốt! Giáo viên cần hiểu rằng học online rất khó tập trung từ phút đầu đến hết tiết học. Vì mắt phải điều tiết liên tục khi nhìn vào màn hình, dẫn tới mỏi mắt. Không giống như ở trường, bàn ghế ở nhà có thể thiết kế không phù hợp với nhu cầu học tập, nên ngồi lâu dễ gây mỏi. Thường học sinh chỉ tập trung tốt khoảng 30 phút đầu tiên mà thôi.

Do vậy, giáo viên phải điều chỉnh điểm rơi tập trung cho phù hợp, tận dụng 30 phút đầu cho bài giảng. Tiếp theo là các hoạt động mang tính chơi mà học, tùy theo lứa tuổi. Nếu buổi học kéo dài 2, 3 tiết, giáo viên nên chủ động cho học sinh nghỉ ngơi để duy trì sự tập trung cho các tiết sau.


Học online: Khó khăn, vất vả hay lợi ích?
» Bài 2: Làm thế nào để dạy online hiệu quả?


(Bản quyền của GIA SƯ GIỎI. Ghi rõ nguồn và đường link khi trích dẫn)
https://giasugioi.com/thaygioitrogioi/hoc-online-kho-khan-den-tu-chinh-giao-vien.html



» Xem thêm các chia sẻ khác