Cha mẹ phải làm sao khi con ở nhà quá lâu trong thời gian giãn cách xã hội này?

Việc phải nghỉ học trong thời gian dài giãn cách xã hội đã tác động rất lớn đến tâm lý, hành vi, và thái độ của con. Những chuyển biến đột ngột này đã làm cho không ít phụ huynh lo lắng về sự phát triển toàn diện của con. Vậy, cha mẹ phải làm gì để giúp con vượt qua những chênh vênh trong giai đoạn này?

Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã không ít lần than phiền rằng con đã không còn năng động như trước. Những câu nói như: "Con tôi lúc nào cũng kêu chán quá…"; "Con ở nhà luôn có cảm giác uể oải, không chịu học …"; "Con ở nhà làm gì cũng chậm chạp, lờ đờ…". Tệ hơn nữa, nhiều mẹ còn phải rất khổ sở mỗi khi yêu cầu con làm việc gì, con đều cãi lại, lớn tiếng. Nhiều trẻ lớn thì "cả ngày chỉ biết chơi game, xem TV… không sai bảo được việc gì cả".

Đúng như những tâm sự trên, ta có thể dễ dàng nhận thấy, trong giai đoạn giãn cách xã hội này, có rất ít trẻ tận dụng được quỹ thời gian vào những việc có ích. Ngoài thời gian học online ít ỏi (nếu có), phần lớn các con dành thời gian xem phim, chơi điện tử, nhắn tin, gọi điện tám với bạn bè,... Những việc này như là cách mà các con giải toả "stress" trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cha mẹ nên can thiệp một chút để định hướng con về lại lối sống lành mạnh như trước thời điểm giãn cách.



Tìm hiểu cảm xúc của con

Các bậc phụ huynh hãy thực sự hiểu rõ cảm xúc và vấn đề của con trước khi vội vàng đưa ra giải pháp. Trong giai đoạn này, sự đón nhận và công nhận cảm xúc từ cha mẹ sẽ giúp con cảm thấy được thấu hiểu hơn. Từ đó, những cảm xúc tiêu cực của con sẽ được xoa dịu để cùng cha mẹ tìm hiểu nguyên nhân trẻ buồn chán.

Cha mẹ hãy để ý những cảm xúc được thể hiện ra ngoài của con như buồn bực, khó chịu, nóng giận và cả những cảm xúc ẩn đằng sau những biểu hiện bên ngoài đó. Buồn bực, khó chịu, nóng giận chỉ là lớp vỏ bọc cho sự cô đơn, chán nản của con mà thôi. Hãy thể hiện sự quan tâm đến con bằng những lời hỏi han như: "Mẹ thấy con hôm nay không được vui cho lắm"; "Hình như con đang mệt mỏi", "Mẹ có cảm giác dạo này con hay căng thẳng và cô đơn"... Sau đó, hãy cho con một vài giây để phản hồi điều mà cha mẹ nhận thấy.

Thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng có thể dễ dàng thừa nhận cảm xúc của mình. Với những trẻ lớn hơn, các con thường chọn cách lẩn tránh thay vì thành thật với bản thân. Chính vì vậy, cha mẹ cần kiên nhẫn để con bộc bạch về tình trạng của mình. Có thể trẻ sẽ đột ngột khóc vào lúc này. Đây chính là tín hiệu tích cực cho việc sẵn sàng tiếp nhận sự quan tâm, hỗ trợ từ cha mẹ. Cha mẹ hãy cứ để con khóc và cũng đừng bắt ép trẻ phải nói ra nguyên nhân khi con chưa muốn. Lúc này, hãy cùng con thư giãn bằng cách cùng nhau làm những công việc mà con yêu thích.

Ngoài ra, cha mẹ có thể quan tâm con, an ủi con bằng những hành động ôm hôn, vỗ về,... Những bước này có thể dễ thực hiện hơn với những gia đình có cha mẹ cởi mở với con cái. Nếu gia đình chưa có điều kiện này, hãy thiết lập trạng thái cởi mở với con một cách từ từ. Đôi khi, cha mẹ phải nhờ đến sự hỗ trợ từ những người mà trẻ tin tưởng và hay tâm sự với mình.

Thời điểm vàng để cha mẹ củng cố mối quan hệ với con

Đây là thời điểm vàng để cha mẹ tạo mối quan hệ tốt hơn với con cái. Thời gian cha mẹ bỏ ra để chơi đùa cùng con sẽ cực kỳ hữu ích với sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Các con sẽ cảm thấy được yêu thương hơn, an toàn hơn, và nhận thấy mình quan trọng với cha mẹ. Cha mẹ hãy hỏi con muốn làm gì. Bởi quyền được tự lựa chọn sẽ giúp con tự tin hơn rất nhiều. Nếu con muốn làm những điều không phù hợp với việc giữ khoảng cách an toàn với mọi người, thì đây chính là cơ hội để cha mẹ trò chuyện với con về đại dịch.

Cha mẹ hãy nói những câu: "Ba mẹ ở đây là để giúp con" hoặc "Hãy cho ba mẹ biết điều làm con cảm thấy không thoải mái, ba mẹ sẽ giúp được con" để con có can đảm nói lên cảm xúc, suy tư của mình. Sau khi nhận được câu trả lời của con, các bậc phụ huynh hãy ưu tiên cho con nói lên điều con muốn. Sau đó, hãy giúp con nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, thấu đáo để cùng nhau đề xuất một giải pháp phù hợp. Cha mẹ lưu ý, đừng áp đặt con mà hãy để con nói lên mong muốn của mình.

Hãy tạo không khí vui vẻ trong gia đình

Các bậc làm cha làm mẹ cần cố gắng quản lý tốt cảm xúc của bản thân. Hãy tạo không khí vui vẻ trong gia đình bằng cách gia tăng tương tác tích cực giữa các thành viên. Hãy khen ngợi con khi hoàn thành nhiệm vụ. Cha mẹ cũng đừng quên khuyến khích con khám phá, học tập những kỹ năng mới. Ngoài ra, hãy cho phép con tương tác với bạn bè, người thân qua Internet đồng thời nới lỏng dần các nguyên tắc trong giới hạn để giữ trạng thái ổn định trong cuộc sống sinh hoạt gia đình.

Giúp con có thể quản lý quỹ thời gian của mình và sử dụng quỹ thời gian hiệu quả.

Hướng dẫn cho con lên kế hoạch một ngày làm việc. Kế hoạch có chi tiết các đầu mục với từng thời gian cụ thể, con có thể lựa chọn các công việc trong ngày của con, thêm vào đó, phụ huynh cùng với gia sư sẽ góp ý giúp con tận dụng được nhiều quỹ thời gian của mình hơn.

Dưới đây là 1 kinh nghiệm thực tế mà phụ huynh phối hợp với GIA SƯ GIỎI cùng giúp đỡ con 1 cách hiệu quả: chúng tôi đã thành lập 1 nhóm nhỏ, yêu cầu con báo cáo 5 đề mục công việc con đã hoàn thành trong ngày. Mỗi ngày đều báo cáo. Thời gian đầu tiên, vẫn chưa có nhiều đề mục lắm. Con thậm chí còn đưa việc ăn trưa và ăn tối vào để mục công việc đã hoàn thành. Sau 2 buổi báo cáo đầu tiên, chúng tôi yêu cầu con bỏ những đề mục trên. Vì đó là nhu cầu của cơ thể, con không thể không ăn hay không tắm được. Những ngày kế tiếp, mặc dù thời gian đầu tiên, số lượng công việc rất ít và lặp lại. Thậm chí thay đổi mỗi ngày. Nhưng những ngày sau, số lượng công việc bắt đầu nhiều hơn, báo cáo con viết bắt đầu có quy luật hơn. Con có thời gian để làm các bài tập chúng tôi giao cho con mỗi ngày và hoàn thành nó khá tốt. Và con cũng bắt đầu làm những công việc con không thích, như đánh đàn piano. Và con cũng bắt tay giúp mẹ làm việc nhà như giúp mẹ nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa. Qua đó, con cũng đã hiểu rõ được ý nghĩa của mình đang làm.

Khi phụ huynh muốn lên kế hoạch giúp con, điều cần lưu ý là phụ huynh cần để tối đa quyền quyết định các công việc mình cần làm trong ngày, và yêu cầu con thói quen báo cáo và phụ huynh nên kiểm tra mỗi ngày. Để tạo thành cho trẻ một thói quen làm việc theo kế hoạch mình đã để ra. Điều này không chỉ giúp con vượt qua mùa dịch một cách ý nghĩa mà còn giúp con có được kĩ năng lập và thực hiện kế hoạch trong tương lai.


(Bản quyền của GIA SƯ GIỎI. Ghi rõ nguồn và đường link khi trích dẫn)
https://giasugioi.com/thaygioitrogioi/cha-me-phai-lam-sao-khi-con-o-nha-qua-lau-trung-thoi-gian-gian-cach-xa-hoi.html



Quý phụ huynh cần tư vấn tìm gia sư chất lượng cao (online hoặc trực tiếp), vui lòng liên hệ hotline bên dưới.

Chúc quý phụ huynh tìm được gia sư giỏi, phù hợp với con!


» Xem thêm các chia sẻ khác