Các vấn đề thường gặp khi chuyển con sang chương trình Cambridge

Việc chuyển con sang chương trình quốc tế Cambridge thường diễn ra ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, chủ yếu từ chương trình Bộ Giáo dục (Việt Nam) sang. Một số phụ huynh chuyển con từ chương trình quốc tế khác sang, nhưng ít hơn.

Bài viết này không đề cập tới việc chọn trường quốc tế nào, hay thủ tục chuyển trường ra sao. Chỉ thuần túy tập trung vào một số vấn đề con hay gặp khi chuyển sang chương trình quốc tế Cambridge để quý phụ huynh lưu ý và có sự chuẩn bị tốt, giúp con nhanh chóng hòa nhập vào môi trường học tập mới.

Trước tiên, do tính tương đồng về chương trình, nên cũng dễ hiểu vì sao phụ huynh có con đang học chương trình Việt Nam có xu hướng chuyển sang chương trình quốc tế Cambridge (1), cụ thể:

- Cả chương trình Việt Nam và Cambridge đều theo hướng chia tách thành các môn học riêng lẻ ở các lớp cao hơn. Ví dụ ở tiểu học, các con vẫn còn học các môn tích hợp, nhưng từ trung học cơ sở trở lên, các con sẽ học riêng lẻ thành các môn Vật Lý, Sinh học, Hóa học (tương ứng ở Cambridge là môn Science tách ra thành Physics, Chemistry, Biology)... vì vậy số lượng môn học rất nhiều.

- Ngoài ra cả 02 chương trình đều mang tính hàn lâm, học thuật, đề cao sự giáo dục toàn diện nên chương trình học khá nặng. Những năm cuối phổ thông giảng dạy nhiều kiến thức ở bậc đại học với mong muốn là bước "dự bị" cho đại học.



Nhờ sự tương đồng trên, con có một số thuận lợi sau:

  1. Dễ dàng chuyển đổi tương đương, ví dụ lớp 6 Việt Nam sang lớp 6 Cambridge (có kiểm tra đầu vào và bổ sung một số phần kiến thức phù hợp)

  2. Quen thuộc với việc học nhiều môn, do sự chia tách các môn học ở lớp lớn hơn

  3. Quen với việc học tương đối nặng, mang tính hàn lâm học thuật

  4. Có nhiều lựa chọn phù hợp, vì có rất nhiều trường dạy chương trình Cambridge khắp cả nước

Bên cạnh đó, con cũng gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang chương trình quốc tế Cambridge, cụ thể:

  1. Ngoại ngữ
    Đây là trở ngại hàng đầu. Hơn 90% các con sẽ gặp khó khăn trong học kỳ đầu tiên, có thể hết cả năm học đầu tiên khi mới chuyển sang chương trình quốc tế Cambridge. Có con giỏi tiếng Anh, nghe nói rất tốt nhưng khi chuyển qua Cambridge vẫn gặp vấn đề. Lý do là ngoài tiêng Anh giao tiếp thông thường, phần lớn con học ở trường là tiếng Anh học thuật. Có rất nhiều thuật ngữ, từ mới (hoặc từ không mới, nhưng nghĩa học thuật khác hoàn toàn nghĩa đời thường)... dẫn tới con không hiểu bài.

  2. Phương pháp
    Mỗi chương trình giáo dục đều có mục tiêu khác nhau, nên phương pháp dạy và học cũng có sự khác nhau. Với chương trình quốc tế nói chung, và chương trình quốc tế Cambridge nói riêng, con sẽ phải làm quen với việc học chủ động thay vì giảng - nghe, đọc – chép (tức tự nghiên cứu tài liệu, sách vở trước theo hướng dẫn của giáo viên. Vào lớp chỉ trao đổi những điều chưa hiểu, hoặc phần kiến thức mới...). Con cũng sẽ học làm việc nhóm (teamwork), học theo dự án (project-based learning), thuyết trình (presentation)... Con cũng tự do tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau miễn cùng phạm vi kiến thức, cũng không còn học theo kiểu thứ tự, "từ chương"... Con cũng không còn phải bó buộc theo khuôn mẫu nào đó, mà được khuyến khích sáng tạo, phát triển bản thân.

  3. Điểm số
    Ở chương trình Việt Nam, điểm số của con chủ yếu thông qua kiểm tra. Các hoạt động ngoại khóa mang tính hình thức, miễn "đạt". Nhưng ở chương trình quốc tế, cụ thể là Cambridge thì điều này ngược lại. Các hoạt động này đóng góp nhiều vào kết quả học tập của con. Vì ở trường học là môi trường học & hành để con từng bước rèn luyện cả kiến thức lẫn kỹ năng trước khi bước vào đời.

  4. Cá nhân
    Trong tiếng Anh, "I" là đại từ nhân xưng duy nhất VIẾT HOA, ở bất kỳ hoàn cảnh, vị trí nào trong câu. Điều đó có nghĩa là tính cá nhân luôn được đề cao, khuyến khích cả trong học tập lẫn cuộc sống. Con được tự do phát biểu quan điểm riêng, bày tỏ chính kiến hay định hướng riêng. Điều này hoàn toàn khác môi trường cũ của con, nơi sự ngoan ngoãn, vâng lời, khuôn mẫu... là những chuẩn mực chung mà con phải tuân theo. Con cũng đừng hiểu lầm là con tự do làm mọi thứ con thích với sự vô kỷ luật. Ngược lại, con phải phải tuân thủ quy tắc ứng xử chung, hay các nội quy của nhà trường một cách nghiêm túc.

Các con chuyển từ chương trình quốc tế khác như IB, Mỹ, Úc...sang chương trình Cambridge sẽ ít gặp các trở ngại này so với con chuyển từ chương trình Việt Nam sang. Tuy nhiên, "độ vênh" kiến thức giữa các chương trình là có, nên con cần làm quen & bổ sung kiến thức trước khi chuyển sang.

Ngoài những trở ngại trên, cấu trúc chương trình cũng có sự khác nhau. Ở chương trình Việt Nam (K-12) hiện nay gồm 3 bậc học và chỉ có kỳ thi chuyển cấp duy nhất là 9 lên 10. Nhưng ở chương trình Cambridge (K-13) gồm 4 bậc học và con phải thi khi chuyển lên bậc học cao hơn, với lộ trình như sau:


Theo đó, hết mỗi bậc học con phải thi các kỳ thi, cụ thể:
- Cuối Primary (tiểu học, lớp 1 - 5), thi Checkpoint 1 (Primary Checkpoint)
- Cuối Lower Secondary (THCS, lớp 7-9), thi Checkpoint 2 (Lower Secondary Checkpoint)
- Cuối Upper Secondary (THPT, lớp 10-11), thi IGCSE
- Cuối Advanced (dự bị đại học, lớp 12-13), thi A-level

Chương trình Cambridge theo hệ K-13 (lớp 1 bắt đầu từ 5 tuổi) và có thể quy đổi sang K-12 (lớp 1 bắt đầu từ 6 tuổi) tương đồng với chương trình Việt Nam. Vì vậy có tình trạng con đang học lớp 8 trường quốc tế Cambridge (hệ song ngữ), sách giáo khoa Bộ Giáo dục là lớp 8, nhưng sách Cambridge là lớp 9!

Giới hạn trong một bài viết thật khó để liệt kê hết những vấn đề con cần biết hoặc hay gặp phải khi chuyển sang chương trình quốc tế Cambridge, nên chúng tôi cố gắng cô đọng những điểm nổi bật để quý phụ huynh tiện tham khảo. Bất kỳ chương trình giáo dục nào cũng có cái hay riêng, và đều xoay quanh đối tượng duy nhất là học sinh. Nếu con có phương pháp học đúng đắn, được dẫn dắt bởi thầy cô có nhiều kỹ năng sư phạm(2) nhằm giúp con phát huy tối đa bản thân... thì chắc chắn con sẽ thành công.


(Bản quyền của GIA SƯ GIỎI. Ghi rõ nguồn và đường link khi trích dẫn)
https://www.giasugioi.com/thaygioitrogioi/chuyen-con-sang-chuong-trinh-cambridge.html


Quý phụ huynh cần tư vấn tìm gia sư cho học sinh trường quốc tế, vui lòng liên hệ:

Chúc quý phụ huynh tìm được gia sư giỏi, phù hợp với con!


Nguồn tham khảo:
https://www.cambridgeinternational.org
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_h%E1%BB%8Dc_Cambridge

Chú thích:
(1) GIA SƯ GIỎI sẽ có bài viết riêng lý giải tính phổ biến của Cambridge tại Việt Nam
(2) Xem thêm bài Gia sư chương trình quốc tế Cambridge


» Xem thêm các chia sẻ khác